Đoàn làm phim ”Đào, phở và Piano” giao lưu với học sinh Đà Lạt

Nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức chương trình chiếu phim phục vụ miễn phí và giao lưu giữa đoàn làm phim “Đào, phở và Piano” với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lâm Đồng.

Hơn 400 học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh tham gia giao lưu cùng đoàn làm phim

Tham dự buổi giao lưu có đại diện lãnh đạo Cục Điện ảnh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung tâm quảng bá điện ảnh, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Lâm Đồng cùng Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và hơn 400 em học sinh.


Lãnh đạo Cục Điện ảnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tặng hoa cho đoàn làm phim

Buổi giao lưu có sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ, đạo diễn diễn viên: đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn, NSND Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, các quay phim, thiết kế bối cảnh, nhà đầu tư và những người làm nên thành công của bộ phim “Đào, phở và Piano”.

Đã từng có rất nhiều bộ phim về đất và người Hà Nội, phim “Đào, phở và Piano” khắc họa một Hà Nội hào hoa và hào hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ngay sau ngày đất nước mới giành được độc lập. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của những người con Hà Nội trên chiến lũy một khu phố cổ mùa đông năm 1946 trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân dân thủ đô, mở đầu cho bản hùng ca cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của cả dân tộc. Đạo diễn đã rất thành công khắc họa một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi toàn quyết kháng chiến.


Đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn nói về bồi cảnh bộ phim và tình yêu Hà Nội

Tại buổi giao lưu, các bạn học sinh đã được nghe đoàn làm phim, đạo diễn, các nghệ sĩ chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, về những câu chuyện khi làm nên bộ phim, về kỷ niệm, những cảnh quay, việc dựng bối cảnh, những thước phim đẹp, những nỗ lực để hoàn thành bộ phim đưa đến khán giả.

Nói về cái tên khá lạ của bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, từ lâu ông đã mong muốn làm một bộ phim để nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này. Hoa đào, phở hay piano chính là những đặc trưng không thể thiếu của Hà Nội xưa. Hoa đào không thể thiếu trong các dịp tết, phở là món ăn thân quen của người Hà Nội. Còn tiếng đàn piano thánh thót chính là thứ thanh âm đáng nhớ luôn vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Hà Nội.


Các bạn học sinh đặt nhiều câu hỏi về nội dung bộ phim, các nhân vật và quá trình làm phim

Đạo diễn đã xúc động nói về tình yêu lớn ông dành cho Hà Nội, làm phim “Đào, phở và Piano” là một cách ông trả nghĩa, trả nợ cho xứ sở hun đúc nên thể chất, tâm hồn, cốt cách của mình. Việc dựng lại bối cảnh phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, xe tăng, toa tàu điện… cùng việc tạo nên từng cảnh quay kỹ lưỡng để chuyển tải cả không khí chiều rộng lẫn chiều sâu của một thời đã qua, mà chính những nhà làm phim không được trải nghiệm, không được sống là một khó khăn, vất vả.

Nhân vật trong phim chỉ có hai nhân vật có tên, còn lại là những nhân vật đại diện cho những người con Hà Nội không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo; phong nhã trong lối sống cách sống, nhưng kiên gan bất khuất, can trường sẵn sàng đứng lên bảo vệ thủ đô khi nguy biến. Đó là hình ảnh một người họa sĩ già đại diện cho lớp trí thức (NSND Trần Lực đóng) hết màu vẽ đã dùng máu của mình tô lên lá cờ Tổ quốc đã truyền niềm rung cảm mạnh mẽ đến người xem.


NSND Trần Lực nói về những rung cảm khi vào vai ông họa sĩ

Là nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam, thành công ở nhiều vai diễn, bên cạnh câu chuyện đời, chuyện nghề, NSND Trần Lực đã truyền tình yêu điện ảnh cho các em học sinh; động viên, khích lệ các em hãy cứ ước mơ, nuôi lớn ước mơ của mình và quyết tâm thực hiện.

Diễn viên Doãn Quốc Đam (vai chiến sĩ tự vệ) là diễn viên đầy năng lượng trên cả phim truyền hình và phim điện ảnh với khả năng biến hóa ở nhiều dạng vai diễn. Anh đã thể hiện tròn vai một người lính tự vệ thành can trường, với sự nhập tâm, có chiều sâu góp phần vào thành công của bộ phim. Anh tâm sự, Không được sinh ra lớn lên ở Hà Nội, không sống vào thời đó, anh phải đọc, phải học, phải tìm hiểu, để vào vai diễn tả hồn cốt một người trẻ tuổi Hà Nội. Để thành công ở các dạng vai diễn, anh phải không ngừng học hỏi các thế hệ đồng nghiệp.


Diễn viên Doãn Quốc Đam chia sẻ về những nỗ lực của anh để làm tròn vai người lính tự vệ trẻ

Các quay phim, các nhà thiết kế bối cảnh đã dành tâm huyết cho từng góc máy, từng cảnh quay, tạo hiệu ứng hình ảnh. Để tái hiện không gian phố cổ Hà Nội những năm 1946 cho phù hợp với bối cảnh bộ phim, nhà thiết kế phải đọc tìm hiểu, nghiên cứu từng góc phố từng con đường trong 3 năm và bắt tay cải tạo không gian hiện có trong suốt hơn 3 tháng. Các anh đã góp phần trong thành công chung của bộ phim.

Không chỉ truyền cái hay, cái đẹp của nghệ thuật điện ảnh đến các em, qua giao lưu, các nghệ sĩ giúp các em học sinh hiểu thêm về điện ảnh, thấu hiểu những công đoạn làm phim, những nhân vật trong phim, những vất vả của nhà làm phim để làm nên những thước phim hay, đẹp. Từ đó thêm trân trọng yêu quý những tác phẩm điện ảnh của nước nhà.

Theo Báo Lâm Đồng