Đạo diễn Trình Định Lê Minh: ‘Nhân sự đoàn phim đứng trước nhiều nguy hiểm về thể chất và tinh thần’

PV Thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh về vấn đề dường như đang bị bỏ quên trong ngành điện ảnh, đó là sức khỏe thể chất và tình thần của nhân sự trong đoàn làm phim.

Trịnh Đình Lê Minh – đạo diễn của một số bộ phim có tiếng vang gần đây như Thưa mẹ con đi hay Bằng chứng vô hình, đã có mặt tại Đà Lạt để tham dự Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII.
PV TGĐA đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn trẻ để hiểu rõ hơn về vấn đề giờ làm việc trên trường quay của nhân sự đoàn phim, cũng là góc nhìn chính được anh trình bày trong tham luận của mình tại Hội thảo.
Xin chào đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, lý do gì khiến anh muốn trình bày tham luận về giờ làm việc trên trường quay của nhân sự đoàn phim, trong Hội thảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII?
Một người bình thường có sức khỏe ổn định, có thể làm việc 40 tiếng trong một tuần hoặc nếu có tăng ca, thì cũng sẽ rơi vào khoảng 44 – 48 tiếng. Nhưng theo quan sát của tôi, nhân sự một đoàn phim làm việc từ 10 – 12 tiếng là rất hiếm, thường sẽ rơi vào 14 tiếng – gần như gấp đôi so với nhân sự ngành công nghiệp khác, từ đó đặt ra nhiều vấn đề làm sao để đảm bảo sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần.
Khi giảng dạy về điện ảnh trên trường, tôi cảm thấy nhiều sinh viên đang có tâm lý muốn làm việc thật nhiều, thật nhanh để bộ phim của mình sớm hoàn thành. Tuy nhiên tôi thường khuyên các em phải rất bình tĩnh để đảm bảo không chỉ về chất lượng tác phẩm, mà còn chính thể chất và tinh thần của mình.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trình bày tham luận tại Hội thảo ‘Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam’, nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII
Việc nhà làm phim, hay nhân sự trong đoàn phim phải làm việc quá nhiều sẽ dẫn đến hậu quả ra sao, thưa anh?
Tôi có tham khảo một báo cáo năm 2017 của BECTU (Liên đoàn Phát thanh, Giải trí, Truyền thông và Sân khấu) của Anh, thì gần 80% trên tổng số 500 người làm trong các ngành liên quan, đã nói rằng có sai sót trong công việc do mệt mỏi và thiếu ngủ. Lý do hầu hết bởi mọi người đều ở lại làm việc quá giờ.
Cá nhân tôi quan sát, thời gian nhân sự làm việc trên trường quay của một bộ phim Việt Nam, lên tới 14 – 15 tiếng. Thời gian được nghỉ giữa hai lần quay là dưới 10 tiếng. Điều này gây ra rất nhiều hậu quả, khi BECTU phân tích rằng, trưởng bộ phận thiết kế hay tổ AD (trợ lý đạo diễn) thường chỉ thiên về yếu tố chuyên môn mà không có kỹ năng quản lý nhân sự.
Ngoài ra, BECTU cũng đưa ra số liệu khác khi trong số những người được khảo sát phía trên, 88% đều trả lời là “thiếu an toàn” khi trở về sau một ngày làm việc. Họ cảm thấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về chất lượng công việc mà còn là đời sống tinh thần, họ không có thời gian dành cho bản thân, cho gia đình để chăm sóc cha mẹ, con cái và thiếu sự kết nối với người thân yêu khi hầu hết quỹ thời gian chỉ có công việc. Đó là chưa kể tới những tai nạn nghề nghiệp không mong muốn, hay phải sống trong stress, căng thẳng và lo âu.
Theo anh nguyên nhân tại sao nhân sự đoàn phim phải làm việc với cường độ cao vậy?
Hầu hết chỉ vì tiết kiệm thời gian và kinh phí nên các nhà làm phim phải làm việc với cường độ cao, gấp đôi, gấp ba bình thường. Ngoài ra, tính chất công việc của nền sản xuất phim vốn dĩ đã rất phức tạp, thường đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ phận khác nhau, cũng như cần phải có sự đồng bộ về chuyên môn hóa, từ đó nhà sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp và sắp xếp thời gian hợp lý dành cho các nhân sự đoàn phim. Bên cạnh đó ở Việt Nam, cũng chính vì ngành làm phim còn khá đặc thù, nên chưa có quy định cụ thể về giờ giấc làm việc, hầu hết chỉ dựa trên thỏa thuận cá nhân của nhà sản xuất và nhân sự.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh rất quan tâm tới vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân sự trong đoàn phim
Hollywood cũng vừa xảy ra những cuộc đình công quy mô lớn của giới biên kịch và diễn viên. Theo anh một trong những nguyên do có phải tới từ bất đồng về thời gian làm việc?
Cuộc đình công của diễn viên và biên kịch Hollywood đã được khá nhiều phương tiện thông tin đưa tin và phân tích, nhưng nguyên do chính là tới từ những quyền lợi về thù lao hay sự thay thế của A.I trong sản xuất phim. Cũng bởi họ có các hiệp hội, như Hiệp hội Biên kịch (WGA) hay Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh (SAG) để bảo vệ quyền lợi về thời gian làm việc trên trường quay, hay đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn nghề nghiệp. Tất cả những điều đó thường có quy định hết sức rõ ràng và nếu đoàn phim không tuân thủ, thì những thành viên trong các hiệp hội đó sẽ tới làm việc trực tiếp.
Là nhà làm phim từng gây tiếng vang, anh có kinh nghiệm ra sao để các đồng nghiệp trên trường quay của mình được làm việc với tâm lý thoải mái?
Đây là một điều không hề đơn giản và phải có sự tính toán kỹ càng giữa đạo diễn và tổ sản xuất, không chỉ về hiệu quả nghề nghiệp mà còn là tiến độ của từng cảnh quay phải có sự khớp nối. Còn một khi công việc có sự tính toán hay chỉ cần một ai đó làm việc không tập trung, thì thậm chí sẽ phải kéo dài từ 14 – 16 tiếng làm việc/ 1 ngày. Khi quay phim xong trong một ngày, cho dù đó là ban ngày hay ban đêm thì thường đoàn phim phải được nghỉ từ 10 – 12 tiếng để có thể phục hồi thể trạng. Ở Việt Nam thì chỉ dừng ở khoảng 10 tiếng, thậm chí ít hơn. Việc nghỉ ngơi giúp cho nhân sự đoàn phim ít nhất đảm bảo sự hồi phục về mặt thể lực.
Anh đưa ra thống kê từ BECTU với những con số hết sức cụ thể. Anh cho rằng để thống kê những số liệu đó Việt Nam liệu có khó?
Thật sự mà nói cũng không khó, nếu chúng ta có một đội ngũ riêng biệt và kinh phí dành riêng cho lĩnh vực này, tôi nghĩ hoàn toàn có thể thống kê được. Hi vọng trong các kỳ Liên hoan phim về sau, tôi hay bất cứ nhà làm phim nào khác có thể nói về vấn đề này dựa trên nhưng số liệu cụ thể từ các đoàn phim Việt Nam.
Bản thân anh có muốn đề ra một giải pháp nào khác hay không?
Về phía nhà sản xuất, bên cạnh việc quan tâm đến đầu tư thì cần phải có sự nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng trong giờ làm việc của nhân sự trên trường quay. Đạo diễn đôi khi cần phải biết điểm dừng trong một ngày và tôn trọng các quy định về giờ làm việc. Bản thân đạo diễn chúng tôi cũng luôn luôn ý thức nâng cao năng lực chuyên môn từng ngày. Một đạo diễn có chuyên môn càng giỏi thì hiệu quả công việc càng nhanh và hiệu quả.
Anh có cảm nhận chung ra sao về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII?
Tôi nghĩ đây là một kỳ Liên hoan phim có chất lượng chuyên môn tốt, với những tác phẩm tham dự đều đến từ các đạo diễn đang ở độ tuổi sung sức nhất. Bên cạnh dòng phim thương mại, cũng có những tác phẩm độc lập thiên nhiều về yếu tố nghệ thuật.
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ!