Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam (kỳ 2): Giải pháp từ ‘Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim’
Hãy bắt đầu từ trường hợp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – bộ phim được Nhà nước bỏ vốn đầu tư và không chỉ thu về 78 tỷ đồng (khoảng 3,5 triệu USD) từ phòng vé mà còn thúc đẩy du lịch tỉnh Phú Yên. Từ “bài học thực tiễn” của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã xây dựng và công bố “Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim” – PAI (Production Attraction Index), với mong muốn mang các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến giới thiệu, khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, của mỗi tỉnh, thành, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Cho tới nay, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn là trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam. Đó là bộ phim “góp vốn” của Nhà nước và hãng phim tư nhân. Sau khi ra rạp thành công, phim thu về 78 tỷ đồng, đồng thời còn gắn thương hiệu du lịch Phú Yên – “xứ sở hoa vàng cỏ xanh” – với bộ phim.
Xây dựng thương hiệu du lịch qua điện ảnh
Tiềm năng quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh là rất lớn bởi nước ta có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá vùng miền phong phú… Việt Nam cũng là điểm đến mới mẻ với nhiều đoàn làm phim quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu du lịch qua điện ảnh là cơ hội rất lớn với nhiều địa phương.
Trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tận dụng điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước con người, kích cầu du lịch. Điển hình, phim trường Avatar (phần 1) ở Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới (Trung Quốc) cũng biến nơi này thành địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút rất đông du khách nước ngoài. Hoặc ở Việt Nam, trước đây nhiều địa phương hưởng lợi từ những bộ phim nước ngoài có bối cảnh quay tại đó. Chẳng hạn, Kong: Skull Island quay ở Ninh Bình cũng đưa tên tuổi địa danh này lên bản đồ du lịch quốc tế.
Cảnh phim “Em và Trịnh” quay tại Đà Lạt
Cũng tại Việt Nam, nhiều địa phương đã có chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các đoàn làm phim. Ngoài Phú Yên với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì vừa qua Đà Lạt (Lâm Đồng) với Em và Trịnh cũng gây ấn tượng với khán giả qua những cảnh quay đẹp.
Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng – cho biết, hàng năm, cơ quan này đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn phim chọn bối cảnh của Lâm Đồng để thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc… Từ đó, nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng được đông đảo khán giả yêu thích đã ra đời như: Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em, Dốc tình, Mùi oải hương năm ấy, Ống kính sát nhân, Em và Trịnh, Chuyến đi của thanh xuân… Vừa qua, tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII, đoàn làm phim Em và Trịnh cũng có các cuộc giao lưu với khán giả Đà Lạt và được hưởng ứng nhiệt tình. Độ phủ sóng của bộ phim cũng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành tiêu chí lựa chọn phim để trao tặng cho Phim có bối cảnh quay tại Lâm Đồng – Đà Lạt. Hoạt động này được kỳ vọng thu hút các nhà làm phim tiếp tục xây dựng ý tưởng, nội dung, sản xuất các bộ phim hay về Lâm Đồng – Đà Lạt, từ đó góp phần giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, con người vùng đất này đến với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế; đẩy mạnh kích cầu du lịch, Giải thưởng Lâm Đồng – Cao nguyên hùng vĩ nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Ông Trần Thanh Hoài khẳng định: Điện ảnh góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Về định hướng phát triển điện ảnh trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Đà Lạt – Lâm Đồng xây dựng các phim trường lớn; ưu đãi các nhà làm phim đến ghi hình, lấy bối cảnh.
Ông Hoài cũng mong các đoàn làm phim, các cơ quan phim ảnh tiếp tục chọn Đà Lạt – Lâm Đồng làm nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện, liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế.
“Cầu nối” đặc biệt PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên bộ chỉ số PAI, chính quyền địa phương sẽ gửi lời mời các đoàn sản xuất phim tới chọn địa điểm làm bối cảnh. |
Giải pháp mang tên PAI
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim – PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) xây dựng được công bố và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, chuyên gia điện ảnh và các nhà làm phim.
Bộ chỉ số PAI do VFDA đưa ra đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí là: Hỗ trợ tài chính; Hỗ trợ thông tin; Hỗ trợ thực địa; Hỗ trợ thủ tục pháp lý và Hạ tầng sẵn có của địa phương.
Gần đây, cuộc hội thảo quốc tế Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên vừa diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia và nhà sản xuất phim quốc tế có tiếng: chuyên gia Hollywood Ming Pan – đồng sáng lập Mixel Media; ông Rahul Sudesh Bali – đại diện đoàn làm phim Ấn Độ, Giám đốc điều hành của Innovations India, phụ trách LHP Ấn Độ trên thế giới (IFFW); ông Rahat Shah Kazmi, đạo diễn đạt nhiều giải quốc tế được biết đến qua các bộ phim như Lihaaf (đồng sản xuất với Marc Baschet, nhà sản xuất phim từng đoạt giải Oscar)….
Ra mắt bộ chỉ số PAI tại Phú Yên
Trên cơ sở địa phương tự đánh giá theo tiêu chí PAI, Phú Yên đang đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim. Điều này thể hiện tỉnh Phú Yên đang có sự quan tâm rất lớn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để đón đoàn phim trong và ngoài nước đến quay phim.
Bên cạnh Phú Yên, 9 tỉnh thành trong cả nước là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Kạn và Cần Thơ đã tham gia giới thiệu và tự đánh giá mức độ sẵn sàng đón các dự án phim đến địa phương mình. Đây chính là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, cuốn hút họ chọn quay phim tại các vùng đất tươi đẹp, hấp dẫn trên đất nước Việt Nam.
NSND Lan Hương, diễn viên nổi tiếng trong Em bé Hà Nội, chia sẻ: “Bộ chỉ số PAI là một sáng kiến hay của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam. Việc các tỉnh tham gia Bộ chỉ số sẽ góp phần xúc tiến, thu hút các đoàn làm phim tới địa phương”.
Còn ông Rahul Sudesh Bali – nhà làm phim Ấn Độ – cho rằng: “Tôi đánh giá cao sáng kiến của VFDA trong việc chuẩn bị và đưa ra Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI. Thông tin của PAI rất hữu ích giúp chúng tôi hiểu thêm về những ưu đãi, hỗ trợ đoàn quay phim của các tỉnh, thành của Việt Nam. Tôi nghĩ các thành phố khác của Việt Nam nên phối hợp với VFDA tham gia PAI. Như vậy, điện ảnh của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.
Theo thông tin từ VFDA, mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, VFDA mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trên đất nước.
Như thế, PAI không chỉ là một chỉ số. Đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh.
Theo thống kê, sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra đời, lượng du khách đến với Phú Yên tăng mạnh gấp 2,5 lần (từ 750.000 lượt khách năm 2014 tăng lên 1,8 triệu lượt khách năm 2019, thu 2.000 tỷ đồng).
Theo báo Thể thao và Văn hóa