Bàn thảo những vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 23-11, tại TP Đà Lạt, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXIII, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính… cùng chia sẻ thông tin, bàn thảo, nhận định, đánh giá, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh trong những năm tới.
Chủ trì hội thảo có: Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành – Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng BTC LHP Việt Nam XXIII; Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú; Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài.
Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; đại diện lãnh đạo Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Vụ Văn hóa, Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội chuyên ngành văn học nghệ thuật trung ương và địa phương; lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố; cùng các nghệ sĩ điện ảnh, các chuyên gia, các nhà hoạt động điện ảnh, nhà sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP Việt Nam lần thứ XXIII cho rằng: “Một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6-2022, phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Để đạt mục tiêu đó cần có sự chung tay, nỗ lực của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, cùng vai trò không kém phần quan trọng của công chúng khán giả”.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu đề dẫn Hội thảo
Các tham luận của Hội thảo là những nghiên cứu, trao đổi xoay quanh một số nội dung như chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường, việc huy động các nguồn vốn cho điện ảnh, công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với công tác khán giả; hoạt động gắn kết giữa điện ảnh- du lịch, hợp tác quốc tế… Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, trường quay, các kiến nghị, đề xuất được trao đổi nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Với tham luận Một số nghiên cứu về chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh, bà Ngô Thị Ngọc Oanh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) đã chia sẻ một số nghiên cứu về chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh. Cụ thể những quy định này được nêu trong điều 5, Luật Điện ảnh năm 2022; các ưu đãi trong Luật thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật đất đai 2013, Luật đầu tư 2020. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh, bà Oanh kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thuế có liên quan theo hướng cụ thể hóa chính sách đầu tư cho văn hóa, trong đó có điện ảnh; kiến nghị với Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới về khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Trần Hải Vân trình bày tham luận
Về các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, bà Trần Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) trình bày tham luận Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh: Thực trạng tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các kiến nghị tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Tham luận phân tích thực trạng hợp tác quốc tế về điện ảnh của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động thường kỳ, các chương trình, dự án quốc tế hợp tác về điện ảnh, các hội thảo và diễn đàn quốc tế… Với mục đích quảng bá mạnh mẽ điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, bên cạnh việc tham gia các LHP quốc tế và đạt được nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín, Bộ VHTTDL còn tổ chức các chương trình Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về điện ảnh là việc tổ chức các LHP, giải thưởng phim quốc tế như: LHP quốc tế Hà Nội, LHP châu Á Đà Nẵng. Bộ VHTTDL còn phối hợp với một số quốc gia châu Âu tổ chức thường niên các LHP, nhằm tạo điều kiện cho các nước giao lưu văn hóa tại Việt Nam. Để tăng cường vai trò của điện ảnh trong phát triển du lịch, tháng 6-2023, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại Nha Trang. Ngoài ra các hoạt động hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cũng vẫn thu hút được các nhà làm phim nước ngoài.
Bà Trần Hải Vân cũng đưa ra một số kiến nghị, cụ thể cần Nghị định hướng dẫn cho điều 41 của Luật Điện ảnh xoay quanh những ưu đãi về thuế với các đoàn phim nước ngoài có bối cảnh quay tại Việt Nam; Hay đề án thành lập Quỹ phát triển điện ảnh Việt Nam hiện vẫn chưa được phê duyệt do vướng mắc chủ yếu ở nguồn thu thường xuyên, ổn định để duy trì Quỹ chưa có tính ràng buộc, các nguồn thu đề xuất còn chưa phù hợp với những quy định tại các luật khác…
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài phát biểu tham luận
Tham luận Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút các đoàn làm phim của ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng khẳng định điện ảnh góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển. Chỉ riêng năm 2022, Lâm Đồng đã đón 130 đoàn làm phim và đều áp dụng chính sách miễn phí cho các đoàn làm phim. Nhờ đó thu hút các nhà làm phim tiếp tục xây dựng ý tưởng, nội dung, sản xuất các bộ phim hay về Lâm Đồng – Đà Lạt, góp phần giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người Lâm Đồng – Đà Lạt đến với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế; đẩy mạnh kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Về định hướng phát triển điện ảnh trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Lâm Đồng – Đà Lạt xây dựng các phim trường lớn; ưu đãi các nhà làm phim đến ghi hình, lấy bối cảnh và mong rằng các đoàn làm phim, các cơ quan phim ảnh chọn Đà Lạt – Lâm Đồng làm nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện, LHP trong nước cũng như quốc tế.
TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, xây dựng công nghiệp điện ảnh cần có sự chung tay từ các cơ quan quản lý, các Hiệp hội, hội chuyên ngành và giới nghệ sĩ, nhà làm phim. “So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, ngành Điện ảnh có Luật từ sớm, vừa được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện với Luật Điện ảnh năm 2022, tuy nhiên từ hành lang pháp lý đi vào thực tiễn còn nhiều khoảng cách, ví dụ trong các vấn đề về ưu đãi chính sách, thuế… để thu hút các đoàn phim. Phim sử dụng ngân sách Nhà nước ngoài mục tiêu làm nhiệm vụ chính trị thì cũng phải đạt mục tiêu đến được với công chúng. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn thấy chỉ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt được mục tiêu này. Chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong kinh phí quảng bá cho những bộ phim Nhà nước như nhiều quốc gia trên thế giới, hay các hãng phim tư nhân. Bên cạnh những yếu tố này, vấn đề chính cần chú trọng là chất lượng, phim phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người xem…” – bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
NSƯT, Đạo diễn Phi Tiến Sơn phát biểu tại Hội thảo
Ở góc độ một nhà làm phim, NSƯT, Đạo diễn Phi Tiến Sơn đặt vấn đề Nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp trong tham luận của mình. Ông cho rằng, một nền công nghiệp điện ảnh đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều mặt, từ quản lý nhà nước, chính sách, quy mô thực hiện, đầu tư, đào tạo… nước ngoài vào Việt Nam làm phim trước hết vì họ cần bối cảnh. Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta nhiều bối cảnh đẹp, lạ mắt. Nhưng để có thể giới thiệu tổng quan và chi tiết, để khách hàng không mất thời gian đi nhiều nơi lựa chọn, để tiết kiệm chi phí… chúng ta chưa làm được. Đạo diễn Phi Tiến Sơn nhấn mạnh, nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp, tức là những con người sáng tạo, làm việc có kỷ luật… Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong một công việc, một dự án, kế hoạch, và cả một “nền”, như ở đây chúng ta đang nói về nền điện ảnh. Ông cũng nhắc đến những “sự cố” mà nhiều tác phẩm điện ảnh gặp phải trong thời gian gần đây và cho rằng, muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì trước hết, đội ngũ sáng tạo, các nhà làm phim cần phải được bảo vệ.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu tại Hội thảo
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, cần rất nhiều yếu tố để xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh, trong đó ngoài vấn đề con người như đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ thì còn vấn đề về truyền thông. Lấy ví dụ về việc “ai cũng có thể trở thành nhà phê bình điện ảnh” trên mạng xã hội thời gian vừa qua, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, sự thiếu chuyên nghiệp trong phê bình điện ảnh mang lại cái nhìn cực đoan, phiến diện, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh.
Đồng quan điểm, việc phê bình điện ảnh, truyền thông về điện ảnh cần được thực hiện chuyên nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc (Bộ VHTTDL) cho rằng: Vai trò quan trọng của truyền thông đối với điện ảnh là điều được khẳng định từ lâu. Ngày nay điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thì vai trò của truyền thông càng trở nên quan trọng, mối quan hệ giữa truyền thông và điện ảnh ngày càng khăng khít, gắn bó. Nếu nêu một nhận định so sánh về điện ảnh xưa và điện ảnh ngày nay thì có lẽ, sự khác biệt lớn nhất chính là công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất, phát hành phim đã làm thay đổi, và ở trong một số tình huống còn quyết định sự thành bại của một chiến lược hay một bộ phim. Bởi vậy, ngành công nghiệp điện ảnh phải có chiến lược truyền thông trước mắt cũng như lâu dài với những mục tiêu cụ thể.
Bên cạnh đó, những nhà làm phim cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực từ thực tiễn làm phim như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đạo diễn hình ảnh Nguyễn K’Linh, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng…
Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh. Làm thế nào để các tác phẩm điện ảnh của chúng ta vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác động tích cực đến đời sống xã hội là mục tiêu đề ra. Các tham luận trong hội thảo đã góp nhiều ý kiến thiết thực góp phần vào việc hiện thức hóa mục tiêu này.
Theo Tạp chí Văn hóa nghệ thuật